Chùa Cầu – 11 phút
Có thể nói Chùa Cầu chính là biểu tượng của Hội An, chiếc cầu này còn được gọi là cầu Nhật Bản vì được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 do các thương nhân người Nhật góp tiền xây dựng. Chùa Cầu Hội An nổi bật ngay khi du khách vừa bước vào khu Phố Cổ, với kiến trúc khác lạ khi mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu gỗ, phong cách xây dựng giao thoa bởi nhiều nền văn hóa của Việt Nam, Nhật Bản và Phương Tây. Nơi này nghiễm nhiên trở thành địa điểm được check-in đầu tiên và nhiều nhất khi các bạn trẻ ghé thăm Hội An.
Chùa Cầu phố cổ Hội An với tổng chiều dài là 18 mét, có mái che uyển chuyển. Mái che này bao trùm cả cây cầu, cửa chính có tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều”. Công trình này bắc qua một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn với hình ảnh trầm mặc. Chùa được thiết kế bằng gỗ với phần trên là nhà, dưới là cầu, nền móng làm bằng trụ đá.
Chùa Cầu Hội An được gọi là chùa nhưng không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – một vị thần bảo hộ xứ sở, đem niềm vui, hạnh phúc đến cho con người trên mảnh đất này. Bởi vậy, hàng năm, không chỉ người dân mà du khách cũng đến đây, không chỉ là địa điểm tham quan, khám phá mà còn để tìm chút thanh thản, bình yên cho những tâm hồn đã quá xáo động.
Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, Chùa Cầu Hội An vẫn giữ được nét cổ kính vốn có. Chính vì lẽ đó, Chùa Cầu đã được công nhận là Di tích lịch sử – Văn hoá quốc gia vào ngày 17/02/1990 và trở thành hình ảnh in trên đồng tiền polymer 20.000VNĐ của Việt Nam. Chùa Cầu Hội An còn gắn liền với đời sống của người dân nơi này như việc điều tiết giao thông, thuận tiện cho việc đi lại trong khu phố cổ.